Đàm phán nâng lương: “Bạn xứng đáng với mức lương mong muốn”!
Nhiều nhân viên thường cảm thấy thoái chí trước việc đàm phán tăng lương, phụ cấp với sếp hiện tại hoặc sếp mới. Họ cảm thấy sợ hãi khi nghĩ rằng việc thương lượng một mức lương cho xứng đáng với kỹ năng nghề nghiệp sẽ đẩy họ vào tầm ngắm của sự chỉ trích. Trong khi đó, những người đang tìm việc lại lo ngại rằng những công việc tốt sẽ “trượt qua tay” nếu họ đưa ra một mức lương quá cao. Nhưng những nỗi lo sợ này lại thường vô căn cứ!
Tất cả những gì bạn cần làm là tìm hiểu và áp dụng các bước đàm phán lương thành công vào một cuộc thảo luận khách quan với sếp đương nhiệm hoặc sếp sắp làm cùng. Hầu hết các sếp đều sẵn sàng cho những cuộc thảo luận như thế, nên đừng sợ hãi mà hãy nắm bắt lấy cơ hội của mình.
Các bước chuẩn bị trước khi thương lượng lương
- Nghiên cứu thị trường
Điều cần thiết đầu tiên là bạn cần nghiên cứu kỹ mức lương thị trường trả cho vị trí hiện tại của bạn trước khi bắt đầu thương lượng. Trên thực tế thì đây là bước cần được ưu tiên hàng đầu! Bạn cần tìm ra những thông số thuyết phục chứng minh mức lương bạn mong muốn là hợp lý; bởi vì việc đòi lương quá cao có thể tổn hại đến uy tín của bạn, làm cho người khác thấy bạn là người hám tiền và chưa chín chắn.
Ngược lại, đề xuất một mức tăng lương quá ít sẽ làm giảm giá trị các kỹ năng nghề nghiệp, khiến bạn bị chới với, hụt khi các nhu cầu, chi phí sinh sống sau này tăng cao. Bên cạnh khung lương của công ty, hãy tìm hiểu thêm về các phúc lợi khác. Một số nhà tuyển dụng tiềm năng sau này cũng có thể muốn xem mức lương đề nghị trong đơn xin việc đầu tiên của bạn.
Nói chung, hãy vận dụng kiến thức từ việc nghiên cứu mức lương thị trường để thương lượng lương hợp lý. Đừng vì sợ bị từ chối mà “hạ giá” quá mức.
- Đâu là thời điểm hoàn hảo nhất để bắt đầu đàm phán tăng lương?
Đó là khi bạn đã thuyết phục được sếp công nhận kỹ năng và chuyên môn của mình. Nếu là một ứng viên mới, hãy chờ khi nhà tuyển dụng xác nhận rằng họ mong muốn tuyển dụng bạn, sau đó hãy thảo luận về mức lương và phúc lợi mong muốn của mình.
Nếu bạn là một nhân viên lâu năm thì thời điểm tốn nhất để thương lượng lương với sếp là sau khi bạn vừa đóng góp một thành tích lớn cho công ty.
- Lên kế hoạch
Lập một kế hoạch về tất cả các bước hành động cũng như phản ứng mà bạn mong đợi trong quá trình thương lượng lương. Hãy tập dợt trước để chuẩn bị tinh thần thật tốt. Kế hoạch của bạn có thể được xây dựng dựa trên những khía cạnh quan trọng như chuyên môn và tính cách bản thân.
Các bước trong một quá trình thương lượng lương
- Giới thiệu bản thân
Hãy bắt đầu thảo luận bằng việc giới thiệu bản thân và cảm ơn sếp đã dành thời gian quý giá nói chuyện với bạn. Bạn nên bắt đầu như thế dù bạn là nhân viên mới tiềm năng hay có thâm niên trong công ty.
Khi bạn bắt đầu cuộc thảo luận, hãy luôn giữ bình tĩnh, lạc quan và thân thiện trong suốt quá trình thương thuyết. Hãy luôn nở nụ cười nồng ấm trên môi! Dù cho sếp bạn có tỏ ra nghiêm khắc và khó tiếp cận đến thế nào, thì bạn cũng đừng bộc lộ sự giận dữ của bản thân nhé.
- Luôn thực tế trong đàm phán
Bạn là một nhân viên tiềm năng hay đã là nhân viên mới đang lên kế hoạch cho lần thương lượng lương đầu tiên? Nếu thế thì điều mấu chốt bạn cần tập trung là nêu lên mức lương mong muốn của mình ngay sau bước giới thiệu bản thân. Toàn bộ quá trình thương lượng sẽ phụ thuộc vào bước quan trọng này. Cũng đừng quên nêu ra những mong đợi của bạn về các điều kiện làm việc việc.
Trình bày các kỹ năng, cơ hội và các giá trị mà bạn dự đoán rằng mình sẽ nổi trội ở vị trí đảm trách. Cho sếp thấy những đóng góp của bạn cho công ty là đáng giá.
Ví dụ, đề cập đến mức ngân sách đáng kể mà bạn đã giúp tiết giảm trong công việc. Mô tả cụ thể quá trình bạn đã đóng góp cho sự tăng trưởng của công ty. Hãy nhớ trình bày thêm về việc bạn cảm thấy bản thân đã đóng góp như thế nào cho sự mở rộng quy mô của công ty.
Nếu bạn là một nhân viên lâu năm đang tìm cơ hội được tăng lương? Sau bước giới thiệu bản thân, hãy nói về những lợi ích mà bạn đã đem về cho công ty. Cung cấp số liệu và dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm này. Đặc biệt, thư chứng thực năng lực từ những sếp cũ sẽ tăng thêm sức thuyết phục cho những nguyên nhân đề nghị tăng lương của bạn.
Tiếp tục trao đổi về những kế hoạch hoặc dự án mới mà bạn đang thực hiện để chứng minh khả năng sinh lợi cho công ty trong tương lai gần. Hãy chia sẻ với sếp tầm nhìn của bạn trong việc phát triển công ty. Điều này sẽ thể hiện sự tận tâm và tinh thần gắn bó của bạn đối với công việc.
Trong cuộc thảo luận, hãy nhớ thỉnh thoảng dừng lại để hỏi xem liệu sếp có đồng ý với những quan điểm mà bạn đưa ra hay không. Hãy giữ thái độ cởi mở với những suy nghĩ của sếp. Nếu anh ấy/cô ấy chỉ trích, hãy chấp nhận với một nụ cười, nhưng bác bỏ những quan điểm đó và bảo vệ quan điểm của bạn bằng những luận điểm mạnh mẽ hơn, điều này sẽ đánh tan những lời chỉ trích đó của sếp.
Các bước tiếp theo của quá trình thương lượng
- Đừng quá nhượng bộ
Nếu bạn là một nhân viên mới, bạn sẽ thấy một số nhà tuyển dụng khá xảo quyệt khi ngỏ ý nhận bạn trước khi đưa ra mức lương. Trong những trường hợp này, đừng nhận việc ngay mà hãy nói với họ rằng bạn sẽ cân nhắc lời đề nghị của họ và phản hồi trong một khoảng thời gian được thỏa thuận bởi hai bên. Hãy nói rằng bạn còn một vài cuộc phỏng vấn khác trong khoảng thời gian này.
Bằng cách này, bạn sẽ biết được mức lương của các công ty khác. Với ngôn từ không khoác lác, hãy nói rằng có nhiều công ty cũng đang muốn nhận bạn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đừng nên phóng đại quá mức, bởi vì nhà tuyển dụng sẽ có cách xác minh rằng bạn có chân thực hay không.
Nếu bạn là một nhân viên có thâm niên muốn tìm cơ hội tăng lương, thì đừng bỏ cuộc quá sớm. Hãy kiên trì thuyết phục sếp đến khi bạn mất hết cảm hứng đàm phán mới thôi. Nếu sếp bạn tỏ ra khó chịu, hãy dừng ngay cuộc trao đổi và chuyển qua bước tiếp theo.
- Những lựa chọn khác
Nếu sếp có vẻ không đồng tình với mức lương bạn đưa ra hay yêu cầu nâng lương, hãy thể hiện thái độ thông hiểu và hỗ trợ. Hãy cố gắng giảm một chút mức lương mong muốn và thay vào đó đề nghị gia tăng các cơ hội làm việc hoặc các phúc lợi khác. Công ty có thể không đáp ứng được mức lương mà bạn mong đợi do không đạt mức lợi nhuận như kế hoạch do một số nhân viên khác làm việc kém hiệu quả.
Trong trường hợp này, thay vì tăng lương, sẽ dễ cho sếp đồng ý tăng bảo hiểm y tế cho bạn. Bạn cũng có thể đề xuất tăng lương, thưởng mỗi nửa năm thay vì hàng năm.
Nguồn: https://thenewsavvy.com/career/corporate-life/salary-negotiation/
Người dịch: Jolly Trinh
Recommend0 recommendationsPublished in Vietnam