Chúng ta thừa nhận rằng: Cuộc sống là “vô thường”.
Cho dù bạn cẩn thận thế nào thì cũng có lúc bất trắc xảy đến. Đây là lý do tại sao mọi người cố gắng sớm chuẩn bị cho những trắc trở; nhiều người thường ưu tiên một khoản tiết kiệm kha khá gửi ngân hàng hoặc mua bảo hiểm. Tuy nhiên, vấn đề khó là trong thực tế bất trắc xảy đến có nhiều dạng. Vì vậy, hãy để chúng tôi giúp bạn một chút…
- Khám chữa bệnh:
Tầm quan trọng: Cho dù bây giờ bạn có khỏe mạnh đến đâu, thì thế giới rộng lớn ngoài kia cũng đầy khắc nghiệt vì “quái xế” lái xe quá tốc độ, bệnh tật lan truyền với tốc độ chóng mặt…, gần như chắc chắn bạn cần trợ giúp y tế trong tương lai. Đây là lý do tại sao tiền khám chữa bệnh là một trong những ngân sách quan trọng nhất bạn luôn phải chuẩn bị.
Ngoài việc chúng ta dễ bị bệnh trong tương lai, chi phí chăm sóc y tế thường đắt đỏ. Không tiết kiệm cho việc lớn như thế thì cuối cùng bạn có thể phải “tự đào hố chôn mình”.
Bạn nên chuẩn bị gì: Bước đầu tiên chỉ đơn giản là tiết kiệm và phân bổ tiền cho các trường hợp y tế khẩn cấp. Nếu thực sự eo hẹp về ngân sách, bạn có thể bắt đầu bằng khoản nhỏ. Chỉ cần chắc chắn là bạn để dành tiền một cách nhất quán. Chúng tôi khuyên bạn nên lập một kế hoạch ngân sách cho mỗi lần bạn có được một khoản tiền.
Bằng cách đó, bạn có thể dễ phân chia thu nhập cho những khoản mục bạn chi tiêu hoặc tiết kiệm mà không vượt quá khả năng bạn có. Bạn cũng có thể quyết định mua bảo hiểm; tuy nhiên, hãy nhớ nghiên cứu xem cái nào là tốt nhất cho hoàn cảnh của mình và đảm bảo rằng không có gì lập lờ.
- Nghỉ hưu:
Tầm quan trọng: Chúng tôi hiểu cuộc sống rất ngắn ngủi. Tại sao lại muốn chuẩn bị cho một cái gì đó mà mình thậm chí không chắc chắn? Tuy nhiên, bạn nên biết rằng loại lý luận này có nhiều ý. Vì bạn không chắc là nó sẽ không xảy ra, tại sao không chuẩn bị, phải không?
Nghỉ hưu là một trong những điều này. Đặc biệt đúng đối với phụ nữ, vì các nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường sống thọ hơn; có nghĩa là chúng ta sẽ phải có nhiều tiền hơn để chuẩn bị sống hưu trí dài hơn.
Bạn nên chuẩn bị gì: Làm việc đến khi bạn có thể làm được, và tiết kiệm càng nhiều càng tốt trong khi bạn làm việc. Sẽ tốt hơn nếu bạn thực sự có thể có một khoản riêng tiền hưu trí của mình.
- Phụng dưỡng cha mẹ, ông bà
Tầm quan trọng: Mặc dù cha mẹ bạn có thể có kế hoạch nghỉ hưu hoặc tiết kiệm riêng, nhưng điều quan trọng là bạn phải có tiền để hỗ trợ họ; trường hợp là khi họ không có đủ tiền. Đây là những lúc họ cần bạn hỗ trợ. Ngoài ra, đảm bảo rằng họ thường xuyên được sớm kiểm tra sức khoẻ và điều trị bệnh, giúp giảm chi phí bệnh tật và các phí tổn khác.
Bạn nên chuẩn bị gì: Hành động sớm. Giữ sao cho cha mẹ và ông bà khỏe mạnh. Tránh nói những điều như, “tôi sẽ chuẩn bị sau vì hiện họ có vẻ khỏe mạnh và trẻ trung”. Phân bổ một phần thu nhập của bạn chỉ cho cha mẹ / ông bà, nếu có thể.
- Thất nghiệp:
Tầm quan trọng: Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng bạn an toàn và vững vàng trong vị trí công việc hiện tại, hãy luôn cân nhắc khả năng bị mất việc. Không có gì là tiêu cực nhưng bạn thực sự cần chuẩn bị khi rủi ro đó xảy ra. Khi thất nghiệp thì thu nhập của bạn ngưng lại, nhưng không có nghĩa là chi phí hàng ngày và hóa đơn chi tiêu của bạn cũng sẽ không phát sinh.
Bạn nên chuẩn bị gì: Nên lập một quỹ khẩn cấp, tốt nhất là thu nhập từ 3 đến 6 tháng để rieeng cho quỹ khẩn cấp này.
- Thiên tai
Tầm quan trọng: Lý do chính là thiên tai, như chúng ta đều biết, là không thể tránh khỏi. Chúng ta thực sự không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn thiên tai xảy ra. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là chuẩn bị ứng phó. Ngoài việc có đủ kiến thức về những việc cần làm trong thời gian xảy ra hỏa hoạn, động đất, bão tố, v.v., điều bắt buộc là bạn phải sẵn sàng về mặt tài chính khi thiên tai xảy đến. Nhiều gia đình mất nhà cửa, xe cộ và thậm chí cả những người thân yêu trong gia đình. Chỉ cần tưởng tượng sẽ khó khăn như thế nào để bạn tự đứng lên từ những bi kịch như vậy mà không có tiền tiết kiệm
Bạn nên chuẩn bị gì: Nghiên cứu về những gì bạn nên làm khi thiên tai tấn công. Về tài chính, bạn có thể phân bổ một phần thu nhập và hợp nhất quỹ này với các quỹ khẩn cấp khác.
- Lập gia đình và có con cái
Tầm quan trọng: Việc này có thể không cần đối với một số người, vì không phải tất cả chúng ta đều kết hôn và/hoặc có con. Tuy nhiên, đối với những người đã, đang và sẽ lập gia đình thì hôn nhân và con cái không “dễ ăn”. Tổ chức cưới hỏi là một trong nhiều khoản chi tiêu mà bạn tốn nhiều tiền. Hãy nhớ rằng trong hôn nhân, bạn và bạn đời nên cùng nhau giải quyết mọi chuyện, như câu “đồng vợ đồng chồng” như mọi người nói.
Bây giờ, bạn cần phải tiết kiệm và bảo đảm đời sống cho hai người. Khi bạn đời trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, bạn nên sát cánh với anh ấy/cô ấy. Cuộc sống thậm chí còn trở nên khó khăn hơn khi bạn muốn có con. Cân nhắc không chỉ thực phẩm mà còn những thứ khác bạn phải mua; nghĩ về việc bạn sẽ phải chi bao nhiêu cho con cái từ tấm bé cho đến khi con đi học từ mầm non đến đại học.
Bạn nên chuẩn bị gì: Nghiêm túc nghĩ tổ chức đám cưới thế nào và có bao nhiêu đứa con. Hãy nghĩ về biết bao chi phí khác nhau trong tương lai sau khi kết hôn và có con. Sẽ tốt hơn khi bạn bàn bạc với đối tác nếu bạn đã có ý trung nhân để sau đó lên kế hoạch ngân sách tiết kiệm cho phù hợp.
Ngay cả khi dành ngân sách cho việc này có làm thay đổi lối sống và cắt giảm chi phí thông thường của bạn một chút, thì cuối cùng tình hình vẫn luôn tốt hơn là tâm lý hối tiếc vì đã không chuẩn bị. Làm thế, chính tương lai của bạn chắc chắn sẽ mang ơn bạn và cuộc sống thuận lợi hơn sẽ là sự động viên to lớn đối với chúng ta.
Nguồn: https://thenewsavvy.com/life/success/financial-situations/
Người dịch: Trung Võ
Recommend0 recommendationsPublished in Budgeting, Money Savvy, Countries, Plan, Vietnam